ĐỘT BIẾN GEN EGFR TRONG UNG THƯ PHỔI

ĐỘT BIẾN GEN EGFR TRONG UNG THƯ PHỔI

15:51 - 16/11/2021

ĐÁNH GIÁ GIAI ĐOẠN UNG THƯ PHỔI (Phần 1)
CÁC KỸ THUẬT CHẨN ĐOÁN NGUYÊN NHÂN TRÀN DỊCH MÀNG PHỔI ÁC TÍNH
ĐẶC ĐIỂM TRÀN DỊCH MÀNG PHỔI DO UNG THƯ PHỔI
SƠ LƯỢC TRÀN DỊCH MÀNG PHỔI ÁC TÍNH DO UNG THƯ PHỔI
ĐỘT BIẾN GEN KRAS TRONG UNG THƯ PHỔI
ĐỘT BIẾN GEN EGFR TRONG UNG THƯ PHỔI
 
 
     EGFR vốn là một Receptor hay là chất gắn bình thường có trên tế bào biểu mô của các cơ quan và thường bị bộc lộ quá nhiều trong một số loại u ác tính ở người. Tỉ lệ đột biến EGFR lên tới 50-60% ở người Châu Á.
     Loại đột biến hay gặp nhất là ở exon 19 chiếm 45% và đột biến điểm L858R ở exon 21 chiếm 40%. 2 loại đột biến này nhạy cảm với thuốc đích điều trị như erlotinib, gefitinib, dacomitinib, afatinib, osimertinib. Các nghiên cứu tới nay đều kết luận không nên dùng thuốc đích nếu không có đột biến EGFR nhạy cảm thuốc.
     Hầu hết đột biến EGFR gặp ở người không hoặc ít hút thuốc và ở thể bệnh ung thư biểu mô tuyến. Đột biến EGFR có thể gặp ở thể ung thư biểu mô tuyến vảy; ung thư biểu mô vảy hầu như không có đột biến EGFR.
     Xét nghiệm đột biến EGFR nên thực hiện trên mẫu mô sinh thiết hoặc bệnh phẩm u sau mổ để có kết quả chính xác nhất.
     Hiện tại đã có chỉ định điều trị thuốc đích bổ trợ sau mổ với các giai đoạn bệnh sớm hơn như giai đoạn 1B tới 2A có nguy cơ cao và bổ trợ sau mổ cho giai đoạn 2B, 3A.
     Nhiều loại đột biến EGFR khác cũng có thể gặp chiếm khoảng 10% như đột biến cài exon 19, L861Q, G719X, S768I cũng cho thấy đáp ứng với điều trị đích mặc dù các nghiên cứu còn ít.
     Đột biến gen EGFR ở exon 20 gồm một nhóm đột biến đa dạng với đáp ứng điều trị đích khác nhau với từng loại đột biến:
  • Đột biến EGFR T790M hay gặp nhất ở exon 20 chịu trách nhiệm cho cơ chế kháng thuốc đích thế hệ 1, 2 và sẽ rất hiệu quả nếu điều trị với thuốc đích thế hệ 3.
  • Các đột biến khác có thể cho thấy sự nhạy cảm với thuốc đích nhưng chưa đủ căn cứ:

- Đột biến A763_Y764insFQEA nhạy cảm thuốc đích.

- Đột biến A763_Y764insLQEA có thể nhạy cảm thuốc đích.

     Đột biến EGFR có đáp ứng tốt với các thuốc đích erlotinib, gefitinib, afatinib, osimertinib, dacomitinib. Các thuốc này nên được điều trị ngay từ bước 1 trước khi điều trị hóa chất. Nếu có đột biến KRAS, BRAF, ALK, ROS 1 sẽ cản trở đáp ứng thuốc đích.
     Hầu hết thuốc đích thế hệ 1, 2 erlotinib, gefitinib, afatinib đều trở nên kháng thuốc với cơ chế đột biến T790M chiếm 60%, thời gian có tác dụng của thuốc từ 9.7-13 tháng.
 
1. Osimertinib
 
     Điều trị bước 1: thử nghiệm so sánh với thuốc đích thế hệ 1 erlotinib, gefitinib cho thấy osimertinib cải thiện đáng kể thời gian sống không tiến triển đạt 18.9 tháng so với 10.2 tháng erlotinib hoặc gefitinib. Khoảng thời gian đáp ứng cũng cao hơn với osimertinib đạt 17.2 tháng so với 8.5 tháng. Chỉ 6% nhóm osimertinib có tiến triển não so với 15% nhóm erlotinib gefitinib. Kết quả theo dõi gần đây thấy thời gian sống trung bình đạt tới 38.6 tháng khi điều trị osimertinib so với 31.8 tháng erlotinib gefitinib.
     Điều trị bước sau: osimertinib điều trị bước sau ung thư phổi tiến triển sau điều trị đích thế hệ 1, 2. Thời gian sống không tiến triển đạt 10.1 tháng so với 4.4 tháng hóa chất và ở nhóm di căn não điều trị osimertinib đạt 8.5 tháng so với 4.2 tháng hóa chất. Tỉ lệ kiểm soát bệnh đạt 93% so với 74% của hóa chất và ít các độc tính ở mức độ 3 trở lên hơn.
     Osimertinib được khuyến cáo điều trị bước 1 từ đầu hoặc điều trị bước 2 sau khi bệnh tiến triển với thuốc đích thế hệ 1, 2 và có đột biến T790M.
 
2. Erlotinib và Gefitinib
     Erlotinib và Gefitinib được chấp thuận điều trị bước 1 cho ung thư phổi giai đoạn di căn có đột biến EGFR, đạt tỉ lệ đáp ứng cao khoảng 67% với thời gian sống khoảng 24 tháng. Nếu điều trị ở bước sau khi đã tiến triển với 1 phác đồ hóa chất thì thời gian có đáp ứng khoảng 8 tháng.
     Một thử nghiệm kết hợp điều trị bước 1 erlotinib kết hợp ramucirumab thấy thời gian đáp ứng đạt 19.4 tháng so với 12.4 tháng erlotinib đơn thuần. Tỉ lệ đáp ứng khoảng 76%.
     Hiện tại erlotinib và gefitinib được khuyến cáo điều trị bước 1 ung thư phổi không phải tế bào vảy giai đoạn di căn có đột biến EGFR.
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. (NCCN) NCCN. Clinical Practice Guidelines in Oncology (NCCN Guidelines) Non small-cell lung cancer. 2020; https://www.nccn.org/professio.../physician_gls/pdf/nscl.pdf, 05/11/2021
 

Contact: Ths. Bs Trần Khôi - Bv Phổi Hà Nội

Hotline: 0983 812 084 – 0913 058 294