OSIMERTINIB, THUỐC ĐÍCH THẾ HỆ 3 HIỆU QUẢ TỐT ĐIỀU TRỊ UNG THƯ PHỔI GIAI ĐOẠN MUỘN CÓ ĐỘT BIẾN EGFR

OSIMERTINIB, THUỐC ĐÍCH THẾ HỆ 3 HIỆU QUẢ TỐT ĐIỀU TRỊ UNG THƯ PHỔI GIAI ĐOẠN MUỘN CÓ ĐỘT BIẾN EGFR

15:46 - 24/04/2023

Vai trò của thuốc đích thế hệ 3 với đột biến EGFR osimertinib trong điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ

THUỐC ĐÍCH AUMOLERTINIB SAU HÓA XẠ TRỊ U PHỔI GIAI ĐOẠN 3
ĐIỀU TRỊ SAU KHI THẤT BẠI VỚI THUỐC MIỄN DỊCH
Xét nghiệm DNA khối u trong máu dự báo sự tiến triển khi điều trị Osimertinib trong nghiên cứu FLAURA, AURA3
Miễn dịch Durvalumab điều trị giai đoạn 3. Khám Phá Những Kết Quả Mới Nhất Từ Nghiên Cứu PACIFIC-2
BRIGATINIB VÀ ALECTINIB SAU KHI KHÁNG THUỐC ĐÍCH CRIZOTINIB

OSIMERTINIB, THUỐC ĐÍCH THẾ HỆ 3 HIỆU QUẢ TỐT ĐIỀU TRỊ UNG THƯ PHỔI GIAI ĐOẠN MUỘN CÓ ĐỘT BIẾN EGFR

  1. Tổng quan

     Ung thư phổi không tế bào nhỏ chiếm 85% các ung thư phổi và tỉ lệ di căn xa khi được chẩn đoán khá cao gồm: di căn não (20-40%), di căn xương (20-40%), di căn phổi (15-25%) và di căn gan (5-20%).

     Đột biến EGFR nhạy thuốc gồm 2 loại exon19del và L858R. Các thuốc đích thế hệ 1 cho thời gian sống trung bình với di căn não hoặc xương khoảng 20-25 tháng và di căn gan khoảng 9,2-13,4 tháng. Di căn gan vẫn là vị trí di căn có tiên lượng xấu nhất so với các vị trí di căn khác từ ung thư phổi.

     Tuy nhiên sự kháng thuốc đích thế hệ 1, 2 thường gặp trong vòng 1-2 năm điều trị và đột biến kháng thuốc T790M là trung tâm của sự kháng thuốc này. Đột biến T790M làm giảm khả năng gắn của thuốc đích vào receptor EGFR nên giảm hiệu quả của thuốc hoặc phải tăng liều thuốc nhưng độc tính lại rất nặng.

     Thuốc đích thế hệ 3 osimertinib có khả năng vượt qua đột biến kháng thuốc T790M và hiệu quả hơn thuốc đích thế hệ 1 giúp kéo dài hơn thời gian sống đến trung bình 38,6 tháng so với 31,8 tháng thuốc thế hệ 1. Sau đây là đánh giá hiệu quả của osimertinib đối với các tổn thương di căn chính từ ung thư phổi không tế bào nhỏ.

  1. Hiệu quả của osimertinib với các tổn thương di căn từ ung thư phổi

     Tuổi trung bình mắc bệnh khoảng 72 tuổi, 2 loại đột biến EGFR hay gặp nhất là exon19del (48,6%) và L858R (51,4%). Tỉ lệ các vị trí di căn như sau: di căn phổi đối bên 23,7%, xương 41,2%, não 30,8%, gan 8,8%, tuyến thượng thận 6,7%.

     So với hóa chất điều trị bước 2, osimertinib cho thời gian sống thêm không tiến triển đạt 10,1 tháng và tỉ lệ đáp ứng 71% cao hơn so với hóa chất pemetrexed+platinum.

     Theo nghiên cứu FLAURA, ở nhóm đột biến gen thuận lợi, thời gian sống thêm không tiến triển khi điều trị osimertinib đạt 18,9 tháng cao hơn hẳn thuốc đích thế hệ 1. Osimertinib giảm nguy cơ bệnh tiến triển và tử vong đến 54% so với thuốc thế hệ 1. Đồng thời các độc tính nặng độ 3, 4 cũng ít hơn.

     Theo nghiên cứu AURA3, osimertinib cũng tăng tỉ lệ đáp ứng nội sọ với di căn não so với hóa chất (tương ứng 70% và 31%), thời gian sống không tiến triển nội sọ cũng dài hơn so với hóa chất (tương ứng 11,7 tháng và 5,6 tháng).

     a. Di căn gan – Yếu tố tiên lượng xấu của bệnh

     Các yếu tố giới tính nam, chỉ số toàn trạng kém, đột biến L858R và di căn gan có thời gian sống thêm không tiến triển bệnh thấp hơn. Di căn gan có thời gian sống thêm không tiến triển khi điều trị osimertinib ngắn hơn chỉ đạt 7,4 tháng so với không có di căn gan đạt tới 19,7 tháng. Di căn gan cũng có thời gian sống thêm trung bình khi điều trị osimertinib ngắn hơn so với không có di căn gan chỉ đạt 12,1 tháng.

     b. Cải thiện tiên lượng di căn não, di căn xương

     Thuốc đích thế hệ 3 osimertinib giúp kéo dài hơn thời gian sống thêm không tiến triển đáng kể so với thuốc đích thế hệ 1, 2. Thời gian sống thêm trung bình cũng dài hơn mặc dù chưa có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê.

     Ở nhóm di căn não, osimertinib giúp giảm đáng kể việc cần điều trị xạ trị với tổn thương di căn não so với thuốc đích thế hệ 1, 2.

     So với thuốc đích thế hệ 1 như erlotinib, gefitinib, lợi ích sống sót được thấy rõ với osimertinib khi điều trị di căn não, di căn xương và màng phổi. Các nghiên cứu lớn hơn cũng xác nhận hiệu quả sống thêm cao hơn của osimertinib so với erlotinib, gefitinib với bệnh nhân không phải di căn gan. Ngoài ra ở 2 loại đột biến EGFR hay gặp nhất là exon19del và L858R thì lợi ích sống sót khi điều trị osimertinib tốt hơn với đột biến exon19del so với L858R.

     So với thuốc đích thế hệ 2 afatinib, osimertinib cũng có hiệu quả sống thêm cao hơn với di căn não và di căn xương. Với di căn gan và tuyến thượng thận thì không có sự khác biệt về sống thêm.

     Với di căn não, thời gian sống thêm không tiến triển bệnh khi điều trị với osimertinib (đạt 17 tháng) tốt hơn so với thuốc thế hệ 1 erlotinib/gefitinib (8,6 tháng) và thế hệ 2 afatinib (12 tháng). Thời gian sống thêm toàn bộ cũng tốt hơn với osimertinib (đạt >54 tháng) so với thế hệ 1 erlotinib/gefitinib (20,9 tháng) và thế hệ 2 afatinib (53,5 tháng).

     Tương tự với di căn xương, thời gian sống thêm không tiến triển bệnh khi điều trị với osimertinib (đạt 16,3 tháng) tốt hơn so với thuốc thế hệ 1 erlotinib/gefitinib (7,9 tháng) và thế hệ 2 afatinib (8,3 tháng). Thời gian sống thêm toàn bộ thì tương đương giữa 3 thế hệ thuốc. 

     Với di căn gan, thời gian sống thêm không tiến triển bệnh khi điều trị với osimertinib (đạt 7,4 tháng) tương đương với thuốc đích thế hệ 1 erlotinib/gefitinib (7,1 tháng) và thế hệ 2 afatinib (5,6 tháng). Thời gian sống thêm cũng tương đương giữa 3 thế hệ thuốc. Một lần nữa cho thấy di căn gan là yếu tố tiên lượng xấu của bệnh, giảm hiệu quả của thuốc đích.

     Tỉ lệ đáp ứng chung với thuốc đích thế hệ 3 osimertinib (đạt 73,9%) cao hơn thuốc thế hệ 1, 2 erlotinib/gefitinib (68,2%) và thế hệ 2 afatinib (59,6%). Tỉ lệ đáp ứng ở di căn gan giảm đáng kể với các tỉ lệ tương ứng là 66,7%; 53,5%; 57,1%.

  1. Kết luận

     Osimertinib cho lợi ích lâm sàng cao hơn với di căn não, di căn xương và đột biến exon19del so với thuốc đích thế hệ 1, 2. Thời gian sống thêm không tiến triển bệnh và thời gian sống thêm toàn bộ đều ngắn hơn ở nhóm có di căn gan so với không di căn gan.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Gen, S., Tanaka, I., Morise, M. et al. Clinical efficacy of osimertinib in EGFR-mutant non-small cell lung cancer with distant metastasis. BMC Cancer 22, 654 (2022). https://doi.org/10.1186/s12885-022-09741-8
  2. Pan J, Cai X, Cao Z, Pan J, Zheng H: Osimertinib in the Treatment of EGFR Mutation-Positive Advanced Non-Small Cell Lung Cancer: A Meta-Analysis. Pharmacology 2023;108:8-16. doi: 10.1159/000527321

 

 Để biết thêm chi tiết xin liên hệ: